• Liên hệ công việc: iide@utt.edu.vn

Thúc đẩy hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ GTVT (UTT) với Viện Nghiên cứu công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH)

Trong 02 ngày 26 - 27/8/2024, Ban Giám hiệu Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) giao Viện Đổi mới sáng tạo và Kinh tế số phối hợp các Nhóm chuyên gia và Cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc để tiếp và làm việc với Viện nghiên cứu công lập thuộc Bộ Khoa học công nghệ và Thông tin truyền thông của Chính phủ Hàn Quốc (KITECH).

KITECH với chức năng tập trung vào nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ lõi tiên tiến, công nghệ định hướng nhu cầu và công nghệ thế hệ tiếp sau ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau; đồng thời là tổ chức hoạt động theo tiêu chí hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tham gia trong lĩnh vực công nghệ và chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm dự án. KITECH đã được Chính phủ Hàn Quốc vinh danh 02 lần liên tiếp là Viện xuất xắc trong lĩnh vực chuyển giao và thương mại hóa công nghệ cũng như hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nội dung làm việc tập trung vào 03 vấn đề chính:

  1. Thực hiện dự án thử nghiệm Pin và Trạm sạc chia sẻ pin xe điện hai bánh tại Việt Nam;
  2. Triển khai dự án tiêu chuẩn hóa Pin và Trạm sạc chia sẻ pin tại thị trường Việt Nam;
  3. Thực hiện các dự án về chuẩn hóa pin, trạm sạc hoán đổi pin và phổ biến việc sử dụng Pin và Trạm sạc hoán đổi pin bằng nguồn vốn ODA Hàn Quốc (KOICA).

I. Ngày làm việc thứ nhất tại Phân hiệu Hà Nội (ngày 26/8/2024)

Đại diện Ban Giám hiệu Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ GTVT): TS. Đinh Quang Toàn - Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo và Kinh tế số (IIDE) giới thiệu khái quát về Trường và chức năng, nhiệm vụ của Viện IIDE. Bên cạnh đó TS. Toàn nhấn mạnh về tiêu chí buổi làm việc mà KITECH đưa ra xung quang chủ đề “Pin và Trạm sạc chia sẻ pin xe điện hai bánh tại Việt Nam”, Nhà trường với nhiều năm tham gia các Dự án và đạt được những kết quả, cũng như kinh nghiệm quý giá trong nước và quốc tế để có thể trở thành đối tác chiến lược mà KITECH kỳ vọng hợp tác toàn diện để cung ứng cho thị trường Việt Nam và trong khu vực, điển hình như các Dự án về xe điện, pin, trạm sạc mà Nhà trường và Viện IIDE đã và đang tham gia như:

TS. Kyungyong Park - Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (KITECH), giới thiệu tóm tắt về Dự án “Công nghệ trạm sạc chia sẻ pin xe điện hai bánh”:

TS. Kyungyong Park - Viện trưởng KITECH nhấn mạnh về mục tiêu dự án: Nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ trạm sạc chia sẻ pin, bao gồm công nghệ hoán đổi và thay thế pin; Phát triển công nghệ quản lý vòng đời pin (BMS); Thử nghiệm hiện trường (pilot project) công nghệ trạm sạc pin tại các quốc gia khác nhau (Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia) để đánh giá sự phù hợp và tính khả thi của công nghệ trong các điều kiện thực tế khác nhau trên quy mô quốc tế; Thu thập dữ liệu thử nghiệm từ các quốc gia khác nhau làm cơ sở để cải tiến và địa phương hóa công nghệ pin và trạm sạc chia sẻ pin phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước.

Giải pháp tổng thể trạm sạc chia sẻ pin xe điện hai bánh tích hợp công nghệ quản lý vòng đời pin (BMS) và hệ thống quản lý vận hành theo thời gian thực (PMS)

* Tổng hợp ý kiến chuyên gia trong các nhóm nghiên cứu UTT:

1/ Ý kiến của nhóm TS. Ngô Thị Thu Tình và ThS. Tạ Tuấn Hưng - Nhóm chuyên gia UTT phụ trách xây dựng TCVN về trạm sạc hoán đổi pin cho xe điện như: Hiện tại thị trường Việt Nam có rất nhiều chủng loại pin khác nhau với các đặc tính vật lý (kích thước, khối lượng, dòng điện, hiệu điện thế,…) và chuẩn kết nối khác nhau. Do vậy, việc tiêu chuẩn hóa pin cũng như trạm sạc pin của KITECH cần phải được nghiên cứu kỹ vì sẽ gặp những khó khăn không phải các vấn đề kỹ thuật mà các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính; Về loại phương tiện thực hiện thử nghiệm nên là loại phương tiện đã có sẵn ở Hàn Quốc và nhập nguyên chiếc về Việt Nam cùng với số lượng Pin cần thiết. Vì việc kết hợp với nhà sản xuất xe máy điện tại Việt Nam để ra được một sản phẩm trong thời gian ngắn là không khả thi đặc biệt là vấn đề tương thích với Pin sản xuất tại Hàn Quốc; Số lượng và vị trí đặt các trạm sạc cần được xác định để đảm bảo được mục tiêu nghiên cứu. Cần xác định rõ đối tượng nào (học sinh, sinh viên, công chức, nhân viên giao hàng, …) sẽ sử dụng nhiều việc hoán đổi pin. Hiện nay, các loại xe máy điện có thể di chuyển trên dưới 100km cho 1 lần sạc. Việc đổi pin có cần thiết với các đối tượng có hành trình di chuyển một ngày ngắn (Học sinh, sinh viên); Cần xác định rõ các công việc liên quan đến pháp lý khi thực hiện dự án tại Việt Nam đặc biệt là việc nhập các thiết bị về xe điện như ắc quy, xe điện, … Điều này có thể sẽ mất nhiều thời gian khi thời hạn thực hiện dự án đang đến gần. Ngoài ra cần lưu ý khả năng xin được cấp phép và sử dụng không gian để thử nghiệm và các vấn đề về nguồn điện cấp cho các trạm sạc.

2/ Ý kiến của TS. Lư Thị Yến - Trưởng BM Hóa học - Môi trường: Việc xử lý pin ở cuối vòng đời như thế nào? Liệu rằng sẽ lưu giữ ở Việt Nam hay xuất ngược trở lại Hàn Quốc? Nếu để ở lại Việt Nam, thì Chính phủ Hàn Quốc có hỗ trợ kinh phí việc xử lý hết niên hạn hay không?; Sự tương thích giữa pin và trạm sạc của cùng một hãng và giữa các hãng khác nhau cũng đặt ra những vấn đề lớn vì có sự khác nhau về kích thước, kiểu dáng, chuẩn kết nối, …

3/ Ý kiến của TS. Ngô Thanh Hải - Chuyên gia cao cấp về pin Lithium - CTV của Viện IIDE: Cần chuẩn hóa pin của KITECH đã phát triển ở Hàn Quốc sao cho phù hợp với các điều kiện thực tế ở Việt Nam, theo đó đặc biệt lưu ý đến những rủi ro về cháy, nổ của pin trong xe và trong nhà; Nghiên cứu tuổi thọ của pin nên gắn với các điều kiện thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm, …) ở Việt Nam.

4/ Ý kiến của ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Nhóm ứng phó biến đổi khí hậu UTT: ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền trình bày các dự án về xe điện mà UTT đã thực hiện, qua đó cho thấy năng lực nghiên cứu của UTT về xe điện, di chuyển xanh và thông minh, cụ thể:

  • Các Dự án liên quan đến xe điện: Dự án hợp tác với UNEP và các đối tác quốc tế để thúc đẩy sự chuyển đổi sang phương tiện giao thông điện (2 bánh) tại Việt Nam từ năm 2018-2022; Các dự án liên quan đến phát triển pin và trạm sạc tại Việt Nam, phát triển hệ thống hoán đổi pin; Nghiên cứu giảm phát thải cho các phương tiện giao thông đường bộ, áp dụng tiêu chuẩn phát thải Euro 4 và Euro 6; Thiết kế và thử nghiệm sản xuất các phương tiện như xe buýt điện, ô tô điện hybrid.
  • Các dự án đã và đang triển khai và thử nghiệm tại Hà Nội: Triển khai thử nghiệm 50 xe máy điện Honda tại Hà Nội trong 3 năm (phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia); Hợp tác phát triển hệ thống hoán đổi pin theo tiêu chuẩn quốc tế IEC, phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM).
  • Dự án lớn về giải pháp di chuyển xanh trong đô thị liên quan đến thói quen, hành vi người dùng: Dự án SOLUTIONSPLUS của Liên minh Châu Âu, hợp tác với 46 đối tác quốc tế nhằm tích hợp các giải pháp giao thông đô thị và phát triển bền vững, trong đó Hà Nội là một trong những thành phố tham gia; Chương trình thử nghiệm chia sẻ xe điện hai bánh cho kết nối đoạn đường cuối tại các trạm BRT và trung tâm thương mại; Nghiên cứu kết hợp giữa phương tiện giao thông điện và giao thông công cộng tại Hà Nội, đề xuất giải pháp phát triển phương tiện giao thông điện và giao thông công cộng liên kết; Một trong những kinh nghiệm ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền trao đổi lại với KITECH rút ra từ các dự án trên đối với việc nhập khẩu xe điện vào Việt Nam, đó là khả năng xe điện thử nghiệm không thể đem vào Việt Nam do vấn đề đăng kiểm.

5/ Ý kiến của Đại diện doanh nghiệp Green Mobility - Đơn vị đang vận hành dự án thử nghiệm xe điện Honda, có một số khuyến nghị đối với KITECH khi triển khai vận hành dự án thử nghiệm, cụ thể: Vì phương tiện và trạm sạc của thử nghiệm cần được vận hành thường xuyên với cường độ cao nên Green Mobility đề xuất ứng dụng trạm sạc, phương tiện cho hoạt động chuyển phát hàng hóa để thực hiện được mục tiêu này; Về vấn đề lựa chọn phương tiện thì nên ưu tiên nhà sản xuất trong nước để thuận lợi cho quá trình đăng kiểm cũng như tránh được vấn đề không tương thích kết nối vật lý giữa pin và xe; Do vậy, KITECH cần phải trao đổi rõ các thông số kỹ thuật (specification) của 220 - 250 pin để lựa chọn và trao đổi trước với nhà sản xuất xe trong nước; KITECH cần cung cấp các thông số kỹ thuật của trạm sạc để lên phương án nguồn điện; Khuyến nghị về phương án đặt trạm sạc chia sẻ pin:

  • Đặt trạm tại khu vực công cộng: Cần có sự chấp thuận của UBND Thành phố và chính quyền địa phương để thuê vị trí và sự chấp thuận của Điện lực Hà Nội để đấu nối điện công cộng;
  • Đặt trạm tại khu vực tư nhân là phương án tối ưu. Bên cạnh đó cũng cần bố trí nguồn điện phù hợp cho trạm sạc và phương án phòng cháy chữa cháy.

II. Ngày làm việc thứ hai tại CSĐT Vĩnh Phúc (ngày 27/8/2024)

1.TS. Vương Văn Sơn - Phụ trách CSĐT Vĩnh Phúc: Đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường giới thiệu khái quát về Cơ sở đào tạo cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, địa thế và tiềm năng của Nhà trường trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu, hợp tác triển khai các dự án khoa học công nghệ, ươm tạo hướng đến chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ trên thị trường của Tỉnh Vĩnh Phúc

2.TS. Kyungyong Park - Viện trưởng KITECH trao đổi muốn tìm hiểu cơ chế, chính sách của Chính Phủ Việt Nam về việc đưa sản phẩm công nghệ vào thực tiễn liên quan đến sự hỗ trợ về thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, khả năng tiêu chuẩn hóa công nghệ pin và trạm sạc chia sẻ pin của Hàn Quốc tại Việt Nam.

3.TS. Nguyễn Ngọc Song - Chuyên gia cấp cao về đổi mới sáng tạo, chia sẻ: Miễn thuế 100% Dự án thử nghiệm với nguyên nhiên vật liệu không có ở Việt Nam. Đơn vị đứng ra xác nhận là Sở KHCN hoặc Bộ KHCN; Đưa sản phẩm công nghệ vào thực tiễn hay chính là thương mại hóa công nghệ sau khi đã được R&D, ươm tạo và đăng ký sở hữu trí tuệ thông qua hình thức Doanh nghiệp KHCN, nếu trong trường đại học còn được gọi là Doanh nghiệp KHCN “spin-off”. Sẽ tư vấn thêm sau khi Dự án hoàn thành giai đoạn 1 thử nghiệm vận hành thực tế; Pin nếu đáp ứng các TCVN 13916:2024 mới ban hành trong năm nay thì có thể đưa vào sản xuất thử nghiệm ở Việt Nam, chỉ cần lưu ý các tiêu chí về môi trường. Trường hợp công nghệ Pin của KITECH có những ưu điểm vượt trội hơn thì có thể công bố thông qua dự án tiêu chuẩn hóa pin (phối hợp với UTT).

4.Ông Tạ Văn Sinh - Đại diện cơ quan QLNN tại Vĩnh Phúc: Hạ tầng kỹ thuật cho xe điện tại Vĩnh Phúc vẫn còn là mới; hệ thống giám sát và kiểm soát chất lượng liên quan đến pin và trạm sạc là chưa có; Thói quen người dân là vẫn dùng xe xăng như: Honda, Yamaha, Piagio, … ; Người dân sử dụng xe điện chủ yếu là xe đạp và xe máy; Vấn đề: xử lý pin như thế nào sau khi hết hạn sử dụng; Trên Vĩnh Phúc chưa có có sở sản xuất pin và trạm sạc công cộng; Nên nghiên cứu phát triển sản phẩm tại tỉnh Vĩnh phúc vì đây là một tỉnh đứng TOP10 cả nước về thu ngân sách, có nguồn lực tốt dành cho đầu tư đổi mới sáng tạo. Đặc biệt cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh thông thoáng, cởi mở; Nhu cầu sử dụng xe hai bánh điện đến chủ yếu là từ học sinh sinh cấp 3, công nhân KCN, các khu du lịch sinh thái, …

III. KẾT QUẢ: Sau 02 ngày làm việc TS. Kyungyong Park - Viện trưởng KITECH - Viện trưởng KITECH đề xuất hợp tác với UTT: Thu thập và phân tích dữ liệu vận hành thử nghiệm; trải nghiệm người dùng; Thảo luận về việc lựa chọn mô hình thử nghiệm phù hợp và lựa chọn đơn vị vận hành dự án thử nghiệm (pilot project); xin giấy phép và chứng nhận từ các cơ quan quản lý nhà nước chức năng liên quan khi vận hành thử nghiệm; quản lý vận hành và bảo trì thử nghiệm; tiêu chuẩn hóa pin và trạm sạc chia sẻ pin tại Việt Nam; phát triển các công nghệ lõi (pin, hệ thống quản lý vòng đời của pin và hệ thống vận hành theo thời gian thực); hướng tới tiếp cận nguồn vốn ODA của Hàn Quốc (KOICA) trong việc phát triển các dự án liên quan đến việc phổ biến việc sử dụng xe điện hai bánh bảo vệ môi trường và các dự án liên quan đến việc thương mại hóa công nghệ trạm sạc pin chia sẻ nêu trên thông qua việc thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại 2 nước Hàn quốc và Việt Nam. Trong đó, các thiết bị thí nghiệm cung cấp cho UTT và giữ lại sau khi hết thời gian thử nghiệm: 40-50 xe máy điện (có thể sản xuất tại Việt Nam nếu đạt được thỏa thuận với một hãng xe điện tại Việt Nam); 220-250 bộ pin (sản xuất tại Hàn Quốc); 10-15 trạm sạc hoán đổi pin (sản xuất tại Hàn Quốc); Chi phí bảo hiểm và dịch vụ cho các phương tiện và thiết bị thử nghiệm.

IV. HÌNH ẢNH của Đoàn KITECH tại UTT trong 02 ngày làm việc

TS. Đinh Quang Toàn - Viện trưởng IIDE giới thiệu về UTT và chức năng, nhiệm vụ của IIDE, kinh nghiệm của UTT

TS. Kyungyong Park - Viện trưởng KITECH trình bày về Dự án “Công nghệ trạm sạc chia sẻ pin xe điện 2 bánh”

TS. Ngô Thị Thu Tình - Chuyên gia trao đổi về tiêu chuẩn pin và trạm sạc hoán đổi pin ở Việt Nam, cũng như kinh nghiệm khi tham gia các Dự án trong nước và quốc tế nghiên cứu tương thích về xe Điện và Pin, trạm sạc

CEO. Đinh Hải Sâm - Giám đốc công nghệ WEnet Việt Nam trao đổi về thiết bị Edge computing WENet với TS. Daniel Byun của Tập đoàn Userconnect Hàn Quốc - Đơn vị xây dựng và phát triển công nghệ quản lý vòng đời pin (BMS) và hệ thống quản lý vận hành theo thời gian thực (PMS)

Đoàn KITECH tại buổi làm việc Phân hiệu Hà Nội sáng 26/8/2024

ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền - Đại diện Nhóm nghiên cứu Ứng phó biến đổi khí hậu UTT trình bày các dự án về xe điện và di chuyển xanh mà UTT đã thực hiện trong giai đoạn 5 năm trở lại đây

Bà Cao Thị Minh Nguyệt - Đại diện Green Mobility, đơn vị đang vận hành dự án xe điện Honda, trình bày những khuyến nghị cho KITECH khi thực hiện dự án thử nghiệm ở Việt Nam về pin và trạm sạc chia sẻ pin

Đoàn KITECH thăm quan Tổ hợp vườn ươm công nghệ và Dự án thử nghiệm xe Điện Honda của Viện IIDE tại Phân hiệu Hà Nội chiều ngày 26/8/2024

Đoàn đại biểu KITECH trao đổi và làm việc với Viện IIDE tại CSĐT Vĩnh Phúc có sự tham gia của đại diện Sở KHCN và Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc

Đoàn đại biểu KITECH tham quan không gian Đổi mới sáng tạo mở và cơ sở vật chất của CSĐT Vĩnh Phúc ngày 27/8/2024. KITECH mong muốn Dự án triển khai tại Việt Nam được nghiên cứu thí điểm tại Tổ hợp Trung tâm đổi mới sáng tạo mở (HUB) của Viện IIDE tại CSĐT Vĩnh Phúc

Thực hiện: Phòng ĐMST (IIDE)./.