• Liên hệ công việc: iide@utt.edu.vn

TECHFEST VIETNAM 2021 - Hội thảo Công nghệ mở: Khởi nghiệp trong lĩnh vực Giáo dục và Giao thông vận tải

Nằm trong chuỗi hội thảo Quốc gia TECHFEST VIETNAM 2021 “Đổi mới sáng tạo mở - Thách thức 2022 và Công nghệ hình thành tương lai”, ngày 10/12/2021, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải kết hợp Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội - Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội (Đơn vị chủ trì DA4889), phối hợp với Techfest STK chủ trì tổ chức Hội thảo với chủ đề Công nghệ mở: Khởi nghiệp trong lĩnh vực Giáo dục và Giao thông vận tải.

Toàn cảnh hội thảo trực tuyến Công nghệ mở: Khởi nghiệp trong lĩnh vực Giáo dục và Giao thông vận tải

Tham dự hội thảo về khối Cơ quan quản lý Nhà nước: về phía Bộ KH&CN có TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN, ông Lê Toàn Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, đơn vị triển khai Đề án 844 của Chính phủ, kiêm chủ trì TECHFEST Quốc gia; về phía Bộ Giao thông vận tải có TS. Lê Văn Dương - Vụ trưởng Vụ KHCN; về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có bà Nguyễn Tùng Anh - Phó Trưởng phòng Hỗ trợ DN Vừa và nhỏ - Cục Phát triển Doanh nghiệp; về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội có ông Nguyễn Hữu Lương - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội. Về khối Doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Giáo dục và Giao thông vận tải là các Doanh nhân tham gia trực tiếp tham luận, gồm có: CEO. Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch NovaEdu (Công ty CP Công nghệ giáo dục Nova), kiêm Trưởng làng Techfest STK; CEO. Phan Bá Mạnh - Nhà sáng lập An Vui Group; CEO. Đỗ Khắc Hà - Công ty TNHH VilaData; CEO. Nguyễn Tuấn Lâm - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Onelog Việt Nam. Về phía đơn vị Chủ trì sự kiện hội thảo - Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải (Bộ GTVT) có sự tham gia của PGS.TS. Vũ Ngọc Khiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Đinh Quang Toàn - Phụ trách Trung tâm Khởi nghiệp & Quan hệ Doanh nghiệp kiêm đồng Trưởng làng Techfest STK - Trưởng Ban tổ chức sự kiện Hội thảo; cùng toàn thể các đại biểu, khách quý đến từ các Cơ sở giáo dục đào tạo, các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và giao thông vận tải tham gia trực tuyến trên phạm vi toàn quốc, Hội thảo cũng nhận được quan tâm của một số cơ quan Truyền thông đến đưa tin sự kiện.

Ông Lê Toàn Thắng - PGĐ Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, đơn vị triển khai Đề án 844, kiêm chủ trì TECHFEST VIETNAM 2021, phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Toàn Thắng - PGĐ Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, kiêm chủ trì TECHFEST VIETNAM 2021 gửi lời cảm ơn đến đại biểu đại diện Bộ ngành, anh chị Doanh nhân trong hệ thống Doanh nghiệp và khối Cơ sở GDĐT, cùng các đại biểu khách quý tham dự qua cầu trực tuyến trong nước và quốc tế. Để tổ chức thành công Hội thảo trong chuỗi sự kiện Techfest Quốc gia 2021 là sự tham gia nhiệt tình, hiệu quả của Tập thể sư phạm Trường Đại học Công nghệ GTVT (Bộ GTVT) phối hợp đồng hành cùng đại diện Làng sinh viên và tuổi trẻ Khởi nghiệp (STK-Techfest) trong nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực kể từ khi phát động TECHFEST Quốc gia 2021 đến nay. Hơn nữa, không thể không kể đến sự góp mặt của các chuyên gia, các nhà cố vấn, nhà đầu tư, các doanh nghiệp luôn sát cánh cùng TECHFEST VIETNAM 2021 để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến với tất cả cộng đồng, các doanh nhân trẻ. Ông Lê Toàn Thắng mong muốn thông qua chương trình Hội thảo “Công nghệ mở: Khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và giao thông vận tải”, kết nối Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với công tác đào tạo, nghiên cứu chuyển giao và thương mại hoá giữa các Cơ quan quản lý nhà nước - Nhà trường - và Doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho Thế hệ trẻ (sinh viên, thanh niên) Việt Nam - những chủ nhân của đất nước trong tương lai, qua đó tạo ra giá trị cốt lõi NNL chất lượng cao cho nền kinh tế và tri thức Quốc gia nói chung và lĩnh vực Giáo dục và Giao thông vận tải nói riêng. Chặng đường của TECHFEST VIETNAM 2021 đang dần khép lại, ông Lê Toàn Thắng cũng như toàn bộ phía Ban tổ chức hy vọng rằng trong thời gian tới, ở các mùa TECHFEST quốc gia tiếp theo, vẫn luôn nhận được sự chào đón và có cơ hội sát cánh cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, … giúp tạo ra cộng đồng khởi nghiệp cùng nhau phát triển những ý tưởng sáng tạo góp phần thúc đẩy và phục hồi nền kinh tế Quốc gia sau thời kỳ COVID-19 đầy khó khăn và biến động.

TS. Lê Văn Dương - Vụ trưởng Vụ KHCN - Bộ GTVT, phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Văn Dương - Vụ trưởng Vụ KHCN - Bộ GTVT, đại diện ngành GTVT, đánh giá rất cao những nỗ lực của BTC và các đơn vị, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, đã phối hợp chuẩn bị và thực hiện thành công các chương trình trong chuỗi sự kiện TECHFEST Quốc gia. Bên cạnh đó, TS. Lê Văn Dương đã chia sẻ các thông tin hữu ích với vai trò là đơn vị tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực Khoa học công nghệ của ngành. Với chủ đề hội thảo về Công nghệ mở (Open Technology) trong lĩnh vực Giáo dục và Giao thông vận tải hôm nay, cần tìm hiểu thuật ngữ Công nghệ mở đã giúp các quốc gia có thể làm chủ công nghệ thông qua các chính sách quản trị giúp cho phép người dùng có thể truy cập nền tảng hoặc hệ thống với rất ít ràng buộc và hạn chế để ứng dụng vào nền kinh tế quốc gia trong thời kỳ CMCN 4.0. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai mạnh mẽ các chương trình về chuyển đổi số, trong đó Vụ Khoa học công nghệ đã tham mưu, biên soạn Đề án ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực GTVT cùng với chủ đề Hội thảo hôm nay TS.Lê Văn Dương mong muốn các Diễn giả đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước và các Doanh nghiệp công nghệ Giáo dục và Giao thông vận tải cũng như Trường Đại học Công nghệ GTVT chia sẻ những ý tưởng, giải pháp ứng dụng công nghệ IoT và AI nhằm mang lại giá trị cốt lõi cho ngành GTVT trong bối cảnh hội nhập và ứng dụng chuyển giao công nghệ mạnh mẽ hướng đến sự phát triển bền vững.

PGS.TS. Vũ Ngọc Khiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ GTVT (Bộ GTVT), phát biểu tại buổi Hội thảo

PGS.TS. Vũ Ngọc Khiêm thay mặt tập thể sư phạm Nhà trường gửi lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất đến quý vị Đại biểu khách quý tại các điểm cầu Trực tuyến tham dự buổi Hội thảo. Nhà trường vinh dự và tự hào được đồng hành cùng Techfest Quốc gia thông qua phối hợp với Làng Sinh viên và Tuổi trẻ khởi nghiệp (STK-Techfest) đồng Chủ trì sự kiện hôm nay. Trường Đại học Công nghệ GTVT là trường Công lập trực thuộc Bộ GTVT với 76 năm truyền thống xây dựng và phát triển - là CSĐT chuyên sâu về khoa học công nghệ ứng dụng chính vì vậy trong những năm qua bên cạnh nhiệm vụ đào tạo và cung cấp NNL chất lượng cao cho ngành GTVT cũng như đất nước, thì Nhà trường cũng rất chú trọng vào nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực ngành GTVT, cho đến nay trường cũng có khá nhiều những công trình nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi trong ngành GTVT gắn với việc sử dụng công nghệ mở cũng như các công nghệ nền tảng trong cuộc cách mạng 4.0 trong các lĩnh vực về cơ sở hạ tầng, vật liệu mới, nâng cao chất lượng phương tiện, đổi mới phương tiện hay quản lý giao thông, … Với chương trình Hội thảo “Công nghệ mở: Khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và giao thông vận tải” chính là cơ hội để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm về những hoạt động đổi mới trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, thông qua ứng dụng công nghệ IoT để quản lý/vận hành các dịch vụ/hệ thống giao thông thông minh là xu hướng phổ biến hiện nay trên toàn cầu, còn AI được ứng dụng vào công tác quản lý, điều hành giao thông, bảo trì hệ thống công trình giao thông; thu thập thông tin, giám sát và phát hiện tự động các bất cập, hư hỏng hệ thống công trình giao thông xảy ra trong quá trình khai thác sử dụng giúp tối ưu hóa trong ngành GTVT, … PGS.TS. Vũ Ngọc Khiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường cũng chia sẻ Nhà trường luôn tạo điều kiện để Trung tâm Khởi nghiệp UTT chủ động trong các hoạt động kết nối doanh nghiệp đồng hành cùng các chương trình khởi nghiệp - hướng nghiệp thông qua các hoạt động, sự kiện như: tọa đàm, hội thảo, tập huấn, cuộc thi, … để tạo cho giảng viên, sinh viên có động lực và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo kết hợp cùng doanh nghiệp hướng đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

TS. Đinh Quang Toàn - Phụ trách Trung tâm Khởi nghiệp trường Đại học Công nghệ GTVT (Bộ GTVT), kiêm đồng Trưởng Làng STK-Techfest, Trưởng Ban tổ chức sự kiện Hội thảo, phát biểu đề dẫn Hội thảo

TS. Đinh Quang Toàn đồng Trưởng Làng STK-Techfest kiêm Trưởng Ban tổ chức sự kiện Hội thảo thông qua cầu Trực tuyến gửi lời cảm ơn đến Quý đại biểu đến từ khối Bộ ngành (QLNN), quý anh chị Doanh nhân trong hệ thống Doanh nghiệp và quý Thầy cô, các em sinh viên trong khối cơ sở GDĐT. Được sự ủng hộ và tạo điều kiện của BTC Techfest Quốc gia, Làng sinh viên và Tuổi trẻ Khởi nghiệp (STK-Techfest) phối hợp với Trường Đại học Công nghệ GTVT và đại diện Đề án 4889 tổ chức Hội thảo “Công nghệ mở: Khởi nghiệp trong lĩnh vực Giáo dục và Giao thông vận tải” nhằm đáp ứng với xu thế của Thế kỷ 21, khi thế giới đang chuyển nhanh sang kỷ nguyên công nghiệp 4.0 mà ở đó vai trò của công nghệ thông tin - viễn thông nói chung và các công nghệ mới nói riêng như: Tự động hóa (Robotics), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Internet vạn vật (Internet of Thing - IoT), ... trở thành then chốt, có tính quyết định đến sự phát triển, tồn vong của mỗi quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đại dịch Covid kéo dài, việc ứng dụng những nền tảng Công nghệ mở IoT & AI vào các lĩnh vực ngành nghề đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu. Không nằm ngoài xu hướng phát triển ngành Giáo dục và GTVT cũng có những bước tiến trong việc ứng dụng Công nghệ mở ... Thông qua các bài tham luận và thảo luận trong hội thảo, với mục tiêu và kết quả đã đề ra, các đại biểu, doanh nghiệp, các diễn giả, QLNN có thể đưa ra định hướng cho ngành GTVT và ngành giáo dục giúp ứng dụng công nghệ được tối ưu và hiệu quả. Thay mặt BTC, TS. Đinh Quang Toàn trân trọng cảm ơn sự góp mặt của các quý Đại biểu, Doanh nhân, các cơ quan QLNN đã tham gia sự kiện và chúc cho Hội thảo thành công.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÁC BÀI THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO:

Đại biểu và Diễn giả tham gia Hội thảo: “Công nghệ mở: Khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và giao thông vận tải”

 Bà Nguyễn Tùng Anh đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ KH&ĐT kiêm Phó TP hỗ trợ DNNVV chia sẻ tham luận tại Hội thảo về “Cơ chế và chính sách Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”

 Bà Tùng Anh đã tham gia Tham luận và đàm thoại, nhấn mạnh về những chính sách hỗ trợ trọng tâm dành cho những DNNVV của nước ta hiện nay. Khẳng định sự quan tâm cũng như những cam kết của các cơ quan Nhà nước dành cho các DNNVV bao gồm cả các đối tượng của hội thảo hôm nay các DNNVV đổi mới và sáng tạo. Ngoài ra bà Nguyễn Tùng Anh cũng chỉ ra những đối tượng được hưởng những chính sách hỗ trợ cũng như cách thức chi tiết để được hưởng hỗ trợ trực tiếp từ các cơ quan Nhà nước.

CEO. Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Novaedu kiêm Trưởng làng STK-Techfest tham gia bài tham luận “Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục”

CEO Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội thảo, nhấn mạnh về các công nghệ mới được áp dụng trong quá trình khởi nghiệp của các bạn trẻ trong thời gian diễn ra cuộc cách mạng 4.0, với vai trò Novaedu là đơn vị được Bộ GDĐT giao nhiệm vụ đồng chủ trì cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia (DA1665) đã trả lời nhiều câu hỏi thiết thực mà sinh viên, giảng viên trong các Cơ sở Giáo dục đào tạo quan tâm đặt ra cho BTC nói chung và DA1665 nói riêng, bên cạnh đó thông qua các hoạt động của Techfest chúng ta tập trung được rất nhiều nguồn lực chất lượng cao cho xã hội và quốc gia. Ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Novaedu nhấn mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực Giáo dục là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, trước đây khi còn áp dụng mô hình giáo dục truyền thống, giảng viên là người truyền đạt kiến thức, dẫn dắt, định hướng cho các em học sinh. Còn ngày nay, khi trí tuệ nhân tạo AI hiện hữu, thâm nhập vào cuộc sống, đặc biệt đối với giáo dục, nó đã làm cho mô hình giảng dạy cũng thay đổi thích ứng với đổi mới phương pháp giáo dục tích cực.

TS. Trần Văn Quân - Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải (Bộ GTVT) tham gia tham luận “Ứng dụng công nghệ AI vào xây dựng và quản lý vận hành trong ngành GTVT”

TS. Trần Văn Quân chia sẻ về những ứng dụng của Công nghệ AI vào xây dựng và quản lý vận hành trong ngành GTVT, trong đó có công nghệ xử lý hình ảnh, xử lý âm thanh được sử dụng trong việc quản lý nhận diện phương tiện giao thông, chế tạo ô tô không người lái, cảnh báo thiên tai, và rất nhiều lĩnh vực khác trong đời sống, từ đó sớm đưa ra những giải pháp cho những vấn đề phát sinh.

CEO Phan Bá Mạnh - Nhà sáng lập An Vui Group chia sẻ bài tham luận “Thực trạng ứng dụng chuyển đổi số trong các Doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam” tại hội thảo

 Ông Phan Bá Mạnh chia sẻ về thực trạng ứng dụng chuyển đổi số trong các Doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam nói chung cũng như trong An Vui Group nói riêng, ông Phan Bá Mạnh đánh giá cao chủ đề hội thảo và sự chu đáo của Ban tổ chức khi triển khai tổ chức sự kiện, ông Mạnh thẳng thắn nói trong hoạt động vận tải hiện nay khả năng cung ứng phương tiện vận chuyển (hàng hóa, hành khách) để dư thừa so với nhu cầu thực tế, bên cạnh đó thị trường còn chịu ảnh hưởng của Covid nên kéo theo nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải. Ông Mạnh cũng chỉ ra những lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải có thể đồng hành cùng Nhà trường để tiếp tục nghiên cứu triển khai thông qua các chương trình khởi nghiệp của cấp Trường, Bộ ngành và cấp Quốc gia.

CEO Nguyễn Tuấn Lâm - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Onelog Việt Nam chia sẻ bài tham luận “Ứng dụng AI&IOT trong thực tế hoạt động quản lý vận tải” tại hội thảo

CEO Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ về ứng dụng AI & IoT trong thực tế quản lý vận tải, đặc biệt là trong sản phẩm của doanh nghiệp - Phần mềm quản lý vận tải 4.0 CETA - một sản phẩm quản lý vận tải với nhiều tính năng vượt trội giúp các doanh nghiệp quản lý hiệu quả. Ông Lâm cũng đánh giá cao sự kiện Hội thảo, đồng thời là Doanh nghiệp được hưởng lợi từ quá trình hợp tác với Nhà trường để hai bên cùng tham gia phối hợp nghiên cứu các sản phẩm dự án khởi nghiệp ứng dụng công nghệ theo xu thế của thời kỳ CMCN 4.0. Công ty CP Công nghệ Onelog Việt Nam tự hào khi cùng Nhà trường tham gia dự án “Phần mềm Quản trị vận tải 4.0” được lọt vào Top 7 của cuộc thi do TECHFEST VIETNAM chủ trì - đây chính là thành quả hợp tác song phương giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong thời gian qua, hiện tại hai bên đang tiến hành Thương mại hóa kết quả nghiên cứu trên thị trường vận tải. Đồng thời Doanh nghiệp mong muốn sang năm 2022 sẽ có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo giúp hai bên tiếp tục đồng hành hướng đến thương mại hóa sản phẩm.

TS. Đỗ Văn Thái - Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải (Bộ GTVT), chia sẻ bài tham luận “Ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu mới phục vụ xây dựng thi công công trình giao thông” tại hội thảo

TS. Đỗ Văn Thái tham gia với phần tham luận về chủ đề khai thác đất đá mỏ than khu vực Cẩm Phả, Quảng Ninh. Thông qua những nghiên cứu chi tiết về tình hình khai thác, TS. Đỗ Văn Thái đã đưa ra giải pháp về thay thế vật liệu xây dựng, áp dụng công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới, đưa vật liệu mới vào sử dụng để góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế các vấn đề thiên tai,...

TS. Đinh Quang Toàn - Phụ trách trung tâm Khởi nghiệp & Quan hệ Doanh nghiệp trường Đại học Công nghệ GTVT (Bộ GTVT), chia sẻ bài tham luận tại hôi thảo “Ứng dụng Công nghệ mở trong hoạt động vận tải của ngành GTVT”

TS.Đinh Quang Toàn tập trung chia sẻ tại hội thảo về xu thế ứng dụng công nghệ IoT và AI hiện nay trong hoạt động vận tải, qua đó thấy rõ sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ trong ngành GTVT nói riêng và ngành kinh tế nói chung. Bài tham luận cũng đề cập đến việc để giải quyết vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cũng như một số vấn đề tiềm ẩn về tai nạn, đồng thời tối ưu hóa năng lực của ngành GTVT, phía Nhà trường luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và triển khai các chương trình nâng cấp những sản phẩm công nghệ AI và IoT để đưa ra thị trường, đảm bảo tính tối ưu cho khai thác vận hành, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao. Một số dự án có sự kết hợp của sinh viên, doanh nghiệp, cán bộ giảng viên nhà trường đã được gửi tham gia cuộc thi khởi nghiệp của TECHFEST VIETNAM 2021 thông qua các đề án 844, 1665 như: dự án Ứng dụng công nghệ ghép khách trùng tuyến, dự án Quét khách hộp đen GPS, dự án sản phẩm Quản trị ứng dụng trong vận tải hàng hóa. Bên cạnh đó, TS. Đinh Quang Toàn cho biết với nguồn nhân lực tiềm năng của Nhà trường (giảng viên, nhà khoa học và sinh viên chuyên ngành), Nhà trường mong muốn duy trì và đồng hành nghiên cứu các ý tưởng, dự án công nghệ GTVT cùng Doanh nghiệp trong những năm tiếp theo, TS. Toàn cảm ơn sự phối hợp hiệu quả từ phía Doanh nghiệp trong suốt thời gian qua.

Sau hơn 2 (hai) giờ diễn ra Hội thảo theo hình thức trực tuyến: Tham luận và Tọa đàm, tương tác sôi nổi giữa QLNN - Doanh nghiệp khởi nghiệp - Nhà trường thông qua các Diễn giả và khách tham dự, với chủ đề Công nghệ mở: Khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và giao thông vận tải, đã biến khó khăn trong bối cảnh Covid-19 hiện nay thành động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của Thế hệ trẻ là các sinh viên và thanh niên Việt Nam kết nối các doanh nghiệp vào chung Hệ sinh thái KNĐMST trong lĩnh vực giáo dục và giao thông vận tải ứng dụng công nghệ mở IoT & AI ngày càng phát triển tại Việt Nam, qua đó đóng góp vào nền kinh tế quốc gia trong kỷ nguyên số 4.0. Hội thảo đã thành công tốt đẹp, BTC trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý Đại biểu, Doanh nhân. Hy vọng trong thời gian tới, chương trình TECHFEST Quốc gia vẫn sẽ luôn nhận được sự ủng hộ của các ban ngành, đoàn thể và phát triển hơn nữa để tiếp tục truyền cảm hứng, khơi nguồn sáng tạo cho các doanh nhân trẻ, cho các thế hệ trẻ Việt Nam trong và ngoài nước.

Thực hiện: Trung tâm HTSVKN&QHDN./.