Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025"; và Kế hoạch thường niên số 409/KH-BGDĐT ngày 22/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục năm 2021.
Ngày 19/10/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Công nghệ GTVT (thuộc Bộ GTVT) tổ chức Tọa đàm “Xây dựng các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học” dưới hình thức trực tuyến tại 40 điểm cầu là các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Toàn cảnh buổi Toạ đàm “Xây dựng các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học”
Tham dự buổi Toạ đàm về phía lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có TS. Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GDĐT; ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ GDCT&CTHSSV; ông Trần Nam Tú - Phó vụ trưởng Vụ KHCNMT; về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục PTTT và DNKHCN đơn vị triển khai Đề án 844 của Chính phủ về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Phụ trách Phòng Doanh nghiệp Nhỏ và vừa - Cục Phát triển Doanh nghiệp; về phía Hội đồng Anh tại Việt Nam có bà Trần Thị Hồng Gấm - Phó Giám đốc Chương trình Giáo dục và Xã hội; về phía Tổ Công tác triển khai thực hiện Quyết định 1665/QĐ-TTg (gọi tắt là DA1665) có PGS.TS Trương Thị Nam Thắng - Tổ phó, hiện đang công tác tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; ông Phạm Tuấn Hiệp - Thành viên, hiện đang công tác tại BK-Holding Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; ông Bùi Tiến Dũng - Thư ký, hiện đang công tác tại Vụ GDCT&CTHSSV - Bộ GD&ĐT; về phía Tập đoàn Novaedu, đơn vị được Bộ GDĐT giao nhiệm vụ đồng phối hợp triển khai Đề án 1665 có ông Nguyễn Vân - Phó chủ tịch Novaedu; về phía Sở KHĐT Hà Nội Ông Nguyễn Hữu Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội, đơn vị được UBND Thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ triển khai Đề án 4889 “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019-2025”. Về phía Trường Đại học Công nghệ GTVT (đơn vị đồng phối hợp tổ chức sự kiện Toạ đàm) có PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng; TS. Hoàng Văn Lâm - Phó Hiệu trưởng; TS. Đinh Quang Toàn - Phụ trách Khởi nghiệp; và sự có mặt tham gia trực tuyến của Ban Giám hiệu, thầy cô phụ trách công tác Khởi nghiệp trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học (các trường Đại học, Học viện) tại 40 điểm cầu trong cả nước.
TS. Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu Khai mạc Toạ đàm
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang được coi là một trong những nhiệm vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, sớm đưa Việt Nam trở thành Quốc gia khởi nghiệp có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Thứ trưởng cho rằng, để trở thành một Quốc gia khởi nghiệp, việc cần làm đầu tiên là xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện hơn. Tại đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được ươm tạo, hỗ trợ và nhanh chóng có được những mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững. Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, trong các báo cáo nghiên cứu về việc xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia thì vai trò của các trường đại học rất quan trọng.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong muốn các trường đại học, các cơ sở giáo dục đại học thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy mô hình khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên. Các trường đại học, cơ sở giáo dục đại học cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng chứ không chỉ là phong trào.
Trước hết, trường đại học phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên (HSSV), hình thành văn hóa khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và nuôi dưỡng, hỗ trợ phát triển tài năng, năng khiếu của HSSV.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục PTTT và DNKHCN, Bộ KHCN đơn vị chủ trì Đề án 844 phát biểu tại buổi Toạ đàm
Ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ GDCTHSSV Bộ GDĐT đơn vị triển khai Đề án 1665 phát biểu tại buổi Toạ đàm
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long Hiệu trưởng nhà trường, đơn vị đồng tổ chức phát biểu tại buổi Toạ đàm
TS. Đinh Quang Toàn - Phụ trách Khởi nghiệp trường Đại học Công nghệ GTVT báo cáo Tham luận tại buổi Toạ đàm
Trong bài tham luận TS. Đinh Quang Toàn đã chia sẻ mô hình hỗ trợ khởi nghiệp của Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải (Bộ GTVT). Là một trong những trường khối kỹ thuật đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo, dù mới đi vào hoạt động từ năm 2017 nhưng Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và quan hệ doanh nghiệp Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải đã thực hiện các hoạt động và đem lại được những kết quả được ghi nhận như: Tổ chức các buổi toạ đàm, giao lưu, để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp cho các em học sinh sinh viên bên cạnh đó không thể không nhắc tới sự thành công của Cuộc thi “ Sinh viên UTT với ý tưởng khởi nghiệp” khi ngay năm đầu tham gia Trường đã có dự án lọt vào Top 60 của cuộc thi khởi nghiệp quốc gia theo đề án 1665 của Bộ GDĐT. Ngoài ra Trung tâm còn tham gia vào các hoạt động kết nối, xây dựng môi trường khởi nghiệp như: Ký kết hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo thủ đô; Ký biên bản ghi nhớ với Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng vườn ươm tạo ngay trong Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải;…. . TS. Đinh Quang Toàn cũng đã đưa ra những hướng đi và giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải.
PGS.TS Lê Thị Thu Hà - Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo, Trường Đại học Ngoại thương giới thiệu mô hình Khởi nghiệp FTU
Đại diện cho các CSGD tham gia bài tham luận có TS. Hoàng Kim Toản - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Đại học Huế; cùng một số trường Đại học Trà Vinh, Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tại các đầu cầu trên cả nước
Tham luận tại tọa đàm, các chuyên gia đến từ nhiều cơ sở giáo dục đại học, nhận định, sáng tạo và khởi nghiệp là trụ cột để giúp cho các hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học đến gần hơn với thực tiễn.
Đại diện các cơ sở giáo dục đại học cũng cho rằng, sau khi có đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành quyết định về kế hoạch triển khai Đề án 1665 và có công văn hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Đồng thời quyết định thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới tại ba cơ sở giáo dục đại học vào năm 2019 là: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Huế thì phong trào khởi nghiệp của HSSV thực sự được lan tỏa.
Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV và cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã được Bộ GDĐT tổ chức thường niên. Các hoạt động này đã thu hút ngày càng đông của HSSV toàn quốc cũng như các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp. Số dự án khởi nghiệp của HSSV tăng dần theo từng năm và hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án ngày càng cao.
Theo thống kê, đến nay đã có 50% các trường đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo; 70 cơ sở đào tạo bố trí được không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV; có khoảng 45 cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Một số hình ảnh buổi Toạ đàm:
Ban Giám Hiệu Nhà trường tặng hoa chúc mừng Thứ trưởng Bộ GDĐT, Cục trưởng Cục PTTT và DNKHCN - Bộ KHĐT và Phó Vụ trưởng Vụ GDCT&CTHSSV - Bộ GDĐT đã chủ trì thành công sự kiện Toạ đàm với 70 Cơ sở GDĐH tại Trường ĐH Công nghệ GTVT
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ GDĐT, Bộ KHĐT, Bộ KHCN, các đại biểu Sở ngành và một số cơ sở GDĐH trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia trực tiếp chương trình Toạ đàm
Thực hiện: Trung tâm Hỗ trợ SVKN&QHDN./.